Thủ tướng: Chuyển đổi số để không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm

Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, tính chính xác các phán quyết; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục.

 

Chiều 16.6, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phối hợp với TAND tối cao tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng: Chuyển đổi số để không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm- Ảnh 1.

Thủ tướng dự hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của TAND tối cao

TTXVN

Xét xử trực tuyến gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, ở Việt Nam, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm của cải cách tư pháp, là cơ hội để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý.

Việc chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử đã tạo ra những giá trị lớn lao của xã hội, là điểm nhấn của chiến lược cải cách tư pháp, giúp chúng ta bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới.

Thời gian qua, TAND tối cao đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của tòa án, qua đó góp phần tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu khung chuyển đổi số cấp bộ, ngành; kết quả công tác chuyển đổi số của ngành tòa án và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.

Theo đó, ngành tòa án đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch trên môi trường điện tử; triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.

Việc xét xử trực tuyến đã được triển khai tại tòa án các cấp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, TAND các cấp đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng.

Ngành tòa án cũng bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán; đã tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày.

Thủ tướng: Chuyển đổi số để không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm- Ảnh 2.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

TTXVN

Chuyển đổi số là công cụ quan trọng hỗ trợ thực thi công lý

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác xây dựng tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ.

Thủ tướng cho rằng phải coi xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và chuyển đổi số là công cụ quan trọng để hỗ trợ thực thi công lý; luôn nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số; cung cấp cho người dân nhiều dịch vụ tư pháp tiện ích, xây dựng hình ảnh tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý. 

Chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, tính chính xác các phán quyết; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục; xây dựng ngành TAND ngày càng hiện đại, tiến cùng, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.

Thời gian tới, ngành tòa án cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử với tinh thần "5 đẩy mạnh". Đồng thời sớm trình Quốc hội thông qua luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của phục hồi chứng cứ điện tử, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử.

Cùng với đó là đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, nhất là trên Cổng thông tin điện tử TAND tối cao và trang thông tin điện tử của tòa án các cấp; nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh hiện đại hóa ngành TAND, nhất là phát triển hạ tầng số; xây dựng trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của TAND được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số.

Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến hướng tới 100% TAND đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử; đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến.

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập